Đề án đề nghị công nhận thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc
( 03/11/2014 )
Đơn vị tổ chức lập Đề án: UBND Thành phố Vĩnh Yên
Đơn vị Tư vấn lập Đề án: Trung tâm Thông tin, Hợp tác Quốc tế và Tư vấn phát triển đô thị
Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai phát triển của trung tâm kinh tế trọng điểm Miền Bắc, được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt quyết định là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là vùng lan tỏa của tam giác kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng – Hạ Long, là cầu nối để phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh trong vùng cũng như trong cả nước và quốc tế. Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc. Thành phố có 9 đơn vị hành chính (07 phường và 2 xã); tổng diện tích tự nhiên 50,8127 km2, dân số trung bình (chưa bao gồm quy đổi) là 118.202 người.
1) Thực hiện Quyết định số 1883/QĐ-TTG ngày 26/10/2011 của Thủ tướng chỉnh phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết đại hội Đảng Bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIV “Phấn đấu đủ các yếu tố cơ bản của tỉnh công nghiệp vào năm 2015; trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI”; theo sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; UBND thành phố Vĩnh Yên đã chỉ đạo và tổ chức lập Đề án Đề nghị công nhận thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
2) Đề án đề nghị công nhận Vĩnh Yên là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là bước cụ thể hoá chủ trương của Đảng ủy và Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc. Công việc này rất cần thiết và có ý nghĩa chiến lược to lớn nhằm khai thác tối đa và sủ dụng hợp lý các lợi thế về vị trí địa lý của thành phố, của tỉnh đối với trong nước và quốc tế, để xây dựng Vĩnh Yên xứng đáng là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa – xã hội, là hạt nhân thúc đẩy quá trình đô thị hóa của tỉnh. Từ đó, tạo động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như an ninh, quốc phòng…
3) Thành phố Vĩnh Yên được công nhận là đô thị loại II là phù hợp và tương xứng với yêu cầu vai trò quản lý của một đô thị Tỉnh lỵ, có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, xứng đáng với truyền thống của một thành phố anh hùng, đánh dấu từng bước trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền nhân dân thành phố nói riêng và của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân toàn thành phố Vĩnh Yên, thể hiện quyết tâm xây dựng thành phố Vĩnh Yên giàu mạnh, văn minh và từng bước hiện đại như Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV và Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã xác định.
4) Thành phố Vĩnh Yên được công nhận là đô thị loại II sẽ phát huy mạnh mẽ hơn chức năng là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của Tỉnh Vĩnh Phúc. Là hạt nhân thúc đẩy quá trình đô thị hoá của tỉnh Vĩnh Phúc.
Thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển, xúc tiến đẩy mạnh đầu tư, gia tăng ngân sách từ thuế, góp phần đẩy nhanh được tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh-quốc phòng, sắp xếp hợp lý nguồn lao động; Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, phát triển thương mại-dịch vụ, mở mang các ngành nghề SX-KD, huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang nâng cấp đô thị ngày càng khang trang hiện đại, đồng thời góp phần nâng cao mức sống của người dân.
Được công nhận là đô thị loại II, cùng với sự nỗ lực phát triển để vươn lên, Thành phố sẽ được đầu tư xây dựng nhanh chóng và trở thành một đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá khoa học kỹ thuật, du lịch – nghỉ dưỡng của tỉnh Vĩnh Phúc có ảnh hưởng và tác động sâu sắc trong vùng cũng như khu vực; khuyến khích thúc đẩy các đô thị lân cận và trong vùng phát triển.
5) Thành phố Vĩnh Yên được công nhận là đô thị loại II là phù hợp với quy hoạch chung và xu hướng phát triển đô thị.
Thành phố Vĩnh Yên được công nhận là đô thị loại II là phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 1883/QĐ-TTG ngày 26/10/2011 của Thủ tướng chỉnh phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết đại hội Đảng Bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIV “Phấn đấu đủ các yếu tố cơ bản của tỉnh công nghiệp vào năm 2015; trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI”; Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; QHXD vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hỗ trợ tích cực sự phát triển của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Trải suốt quá trình hình thành và phát triển, Thành phố Vĩnh Yên trước đây là thị xã – đô thị loại IV, cùng với xu thế phát triển chung của hệ thống đô thị trong phạm vi cả nước, tháng 12/2004 thị xã Vĩnh Yên được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định công nhận là đô thị loại III. Đây là Quyết định quan trọng, là động lực để tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển thành phố với quy mô lớn trên tất cả các lĩnh vực, xứng đáng với vai trò, vị trí của đô thị trung tâm hành chính – chính trị, văn hoá – xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Ngày 01/12/2006 chính phủ ban hành nghị định số 146/2006/NĐ-CP về việc thành lập Thành phố Vĩnh Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Với quyết tâm xây dựng thành phố Vĩnh Yên hiện đại, là nơi hội tụ - phồn vinh, kể từ ngày tái lập tỉnh (1997) thành phố đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh dịch vụ - thương mại; giảm tỷ trọng nông nghiệp và phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 21,89%. Đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp chiếm 52,42% (năm 2013 còn 43,2%), thương mại - dịch vụ chiếm 45,11% (năm 2013 tăng lên 55,1%), nông - lâm - thuỷ sản chiếm 2,47% (năm 2013 giảm còn 1,7%); GDP bình quân đầu người ước đạt 2.914 USD (năm 2013 đạt gần 4.100 USD); thu ngân sách Nhà nước năm 2013 đạt trên 1.865,723 tỷ đồng.
Nét nổi bật của thành phố Vĩnh Yên là một trong những đơn vị duy trì tốt lĩnh vực thu ngân sách, thực hiện khá đồng bộ quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; huy động mạnh mẽ các nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ý thức được vai trò quan trọng của sự phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng Vĩnh Yên trở thành thành phố dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái phát triển bền vững, chất lượng cao, có kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ tương xứng với vị trí trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc; Tôn tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng môi trường sống văn minh - thân thiện; ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế.
Từ khi được công nhận là đô thị loại III năm 2004, sau gần 10 năm tập trung đầu tư xây dựng đến nay, kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố đã cơ bản hoàn thiện đồng bộ, chất lượng đời sống của người dân thành phố được nâng cao, diện mạo đô thị ngày càng khang trang và Thành phố Vĩnh Yên đã thể hiện rõ vai trò, chức năng tương xứng với các chỉ tiêu của đô thị loại II. Thành phố đang tích cực triển khai các chương trình, đề án để chuẩn bị chào mừng 115 năm đô thị Vĩnh Yên (1899 - 2014), mục tiêu để toàn Đảng bộ và nhân dân TP phấn đấu là hướng đến Vĩnh Yên trở thành đô thị xanh, phát triển bền vững. Đây là quan điểm phát triển xuyên suốt, là quyết tâm chính trị của tỉnh Vĩnh Phúc và toàn thể nhân dân thành phố Vĩnh Yên.
Đồng thời, phát triển Vĩnh Yên với tầm nhìn dài hạn, hướng tới hiện đại, phát huy và gắn kết tiềm năng thế mạnh của thành phố với định hướng phát triển của các huyện lân cận, của tỉnh, của vùng, tạo thế đột phá về phát triển dịch vụ. Trước năm 2020 trở thành đô thị loại I, đến năm 2030 Vĩnh Yên là trung tâm lõi của đô thị Vĩnh Phúc với khoảng trên 20 vạn dân. Bình quân đầu người năm 2030 đạt 12.000 - 13.000 USD (giá thực tế tại thời điểm). Cơ cấu lao động năm 2030: Dịch vụ 89%; công nghiệp - xây dựng 10%; nông nghiệp 1%. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn, hợp lý, hiện đại theo hướng giao thông xanh. Có đủ các công trình văn hóa, nghệ thuật, cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế và nhà ở cho người dân. Đảm bảo có được không gian xanh với hệ thống vườn hoa, công viên, công trình văn hóa - nghệ thuật, các vành đai xanh và hồ nước đẹp phân bố hợp lý trên các địa bàn với mặt nước chủ đạo là khoảng 200ha đầm Vạc. Các trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp... được xây dựng theo quy hoạch, điều kiện làm việc tốt. TP Vĩnh Yên trong tương lai là TP sinh thái, có chức năng tổng hợp; là TP dịch vụ, du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng đa dạng, hiện đại, đồng bộ liên hoàn kết nối thông suốt trong TP và với tất cả các địa phương trong nước và quốc tế.
Hồng Mai (ICC) Trích: Đề án đề nghị công nhận thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc